Thư điện tử   |   Tin nội bộ   |   Liên hệ  |   Sitemap  |   English  
   
CHUYÊN MỤC TÁC PHẨM - TÁC GIẢ
THẦY LÊ HIỆP - KIẾN TRÚC SƯ CỦA NHỮNG TƯỢNG ĐÀI VÀ TÁC PHẨM ĐÀI TƯỞNG NIỆM LIỆT SỸ PHÚ YÊN [ 9/2/2 ]
Nói về KTS Lê Hiệp, cố KTS Đặng Tố Tuấn đánh giá: “Những đài tưởng niệm Lê Hiệp làm không phải là những công trình tưởng niệm có mô tuyp cũ mòn. Ông ấy là người không dễ chấp nhận đi trên những con đường quen thuộc”.(Đào Tuấn Anh[1]). Thầy là người tiên phong theo xu hướng mô phỏng, ẩn dụ trong kiến trúc Đài tưởng niệm liệt sỹ, sự thành công được ghi nhận bởi những tác phẩm như Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Bắc Sơn, Đài tưởng niệm Tuyên Quang, Đài tưởng niệm liệt sỹ tỉnh Phú Yên, … và đạt nhiều giải thưởng danh giá.
KTS LÊ HIỆP (Nguồn: Lan Anh. http://m.tienphong.vn/xa-hoi/dieu-khac-tuong-dai-bai-3-loi-tu-qui-hoach-va-tham-dinh-1012242.tpo. Xem 03.9.2016)
 
Công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Phú Yên nằm trên đỉnh núi Nhạn, công trình đoạt giải Ba - giải thưởng quốc gia về Kiến trúc năm 2008, giải Văn học nghệ thuật Phú Yên giai đoạn 2006 - 2010.
Công trình: Đài tưởng niệm liệt sỹ tỉnh Phú Yên (nguồn: tác giả)
 
Cùng với tháp Nhạn, Đài tưởng niệm Phú Yên tạo nên dấu ấn rất mạnh trong bất cứ ai đi ngang qua thành phố Tuy Hòa bởi Thầy phải mất 10 năm trời từ khi thai nghén đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng (1997 - 2007). Sự trăn trở, trách nhiệm của người làm nghệ thuật ấy đã được vinh danh bởi những yếu tố rất cơ bản mà không phải ai cũng làm được, Thầy đã giải một bài toán hóc búa chưa có tiền lệ:
Một là: Làm mới một công trình trên nền tảng cũ
- Thực chất công trình Đài tưởng niệm liệt sỹ tỉnh Phú Yên được quyết định đầu tư xây dựng từ năm 1983 khi còn là tỉnh Phú Khánh theo thiết kế của nhóm tác giả KTS Tô Định chủ trì cùng với các họa sĩ điêu  khắc. Tuy nhiên khi thi công lên đến sàn mái và một phần trụ đài thì phải dừng lại do xuất hiện sự cố khách quan. Thiết kế của nhóm tác giả KTS Tô Định lúc ấy lấy hướng chính, ý tưởng chủ đạo là những cánh chim nhạn tung bay về hướng Tây Nam (nơi có cánh đồng lúa bao la, xa xa là rừng núi trùng điệp, cái nôi của phong trào cách mạng Phú Yên qua hai cuộc kháng chiến giữ nước); tựa lưng vào trụ đài là cụm tượng điêu khắc: người mẹ giương bó đuốc, bên phải mẹ là anh bộ đội cầm súng xông lên, bên trái mẹ là bé trai cầm cuốn sách lưng Đài tưởng niệm tựa vào tháp Nhạn, …
- Việc tiến hành đầu tư xây dựng được tiếp tục sau khi tách tỉnh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
- Tác phẩm thiết kế cải tạo Đài tưởng niệm liệt sỹ tỉnh Phú Yên của Thầy tôn trọng nhóm tác giả KTS Tô Định bằng cách vẫn giữ ý tưởng chủ đạo là những cánh chim nhạn, nhưng với quan niệm “sử dụng ngôn ngữ kiến trúc để diễn tả hình tượng, đó chính là nét mới so với ý niệm cũ rằng cứ xây tượng đài thì nhất thiết phải có tượng”[2], cộng với ngôn ngữ kiến trúc rất riêng, đơn giản, vần luật nhịp điệu rất cơ bản, đỉnh cao nghệ thuật tạo hình của Thầy đã lược bỏ các ngôn ngữ điêu khắc và thổi hồn điêu khắc vào trực tiếp những cánh chim nhạn làm cho tác phẩm của mình biết nói.
- Một sự tuyệt vời, tùy góc độ, cự ly, thời gian quan sát, sự cảm thụ hình tượng, những cánh chim nhạn có khi là rừng cờ, ngọn đuốc, cánh buồm, trang sách, …
Đài tưởng niệm liệt sỹ Phú Yên nhìn từ xa (nguồn: KTSPY. http://ktspy.blogspot.com /2012/04/kts-le-hiep-va-ai-tuong-niem-nui-nhan.html. Xem 01.9.2016)
 
Hai là: Kiến trúc phải có sự tiếp nối văn hóa
- KTS Lê Hiệp từng giãi bày: “Mỗi vùng đất đều có những dấu hiệu văn hóa bản địa; để chắt lọc được tính bản sắc đặc trưng, người sáng tác phải có thái độ trân trọng tìm hiểu vùng đất đóHình tượng nghệ thuật của công trình kiến trúc phải mang bản sắc nơi đặt nó…”. Ông quan niệm, không có thứ nghệ thuật vô cảm và không chấp nhận tồn tại loại công trình mẫu đặt ở đâu cũng được, nhất là thể loại công trình văn hóa (ktspy[3]).
- Do vậy, ông đã thay đổi quan điểm của thiết kế cũ (quay mặt về hướng Tây - Nam), bằng cách tạo ra sự đối thoại, nối tiếp hướng nhìn cùng với tháp Nhạn (một di tích kiến trúc cổ, quay mặt về hướng Đông), ông quyết định quay mặt Đài tưởng niệm về hướng Đông - Bắc, một sự trân trọng quá khứ (tháp Nhạn) và nối tiếp đến tương lai (Đài tưởng niệm) của hai thế hệ.
Đài tưởng niệm liệt sỹ Phý Yên và Tháp Nhạn (nguồn: KTSPY. http://ktspy.blogspot.com /2012/04/kts-le-hiep-va-ai-tuong-niem-nui-nhan.html. Xem 01.9.2016)
 
Ba là: Sử dụng ngôn ngữ kiến trúc để diễn tả hình tượng
- Bởi lẽ, ông không theo xu hướng tạo hình ảnh quen thuộc, tương đối phổ thông, liên tưởng đến những ngôi nhà; hay xu hướng hiện đại, cách tân thiên về hình khối tượng trưng để biểu hiện và đề cao tính triết lý; hay xu hướng hiện thực, mô tả bằng ngôn ngữ điêu khắc, tỉa tót cầu kỳ.
- Với xu hướng mô phỏng, ẩn dụ mà Thầy đã say sưa theo đuổi và thành công. Tinh thần sáng tác là diễn đạt và truyền tải ý nghĩa theo theo cách biểu hiện lưỡng nan, nước đôi, … nên đã tạo ra những suy tưởng khi chiêm ngưỡng, quan sát đài.
- Tác phẩm Đài tưởng niệm Núi nhạn của ông là sự tinh túy nhất của các xu hướng thiết kế tượng đài khi các khối bê tông của ông đã tạo ra theo cùng vần điệu, đơn giản nhưng rất mạnh mẽ, hoài bão của đàn chim nhạn nối nhau bay cao, bay xa như linh hồn những liệt sỹ của đất mẹ Phú Yên đang nói, đang cười, đang cùng cháu con hướng ra biển lớn đón ánh mặt trời. Ông đã làm cho những khối bê tông cất lên thành tiếng nói, tiếng hát của mình.

Núi Nhạn - Sông Đà là biểu tượng của Tuy Hoà. Để nơi đây thêm đẹp, chính quyền thành phố nên sớm có kế hoạch giải toả các hộ tạm dọc hai bên đường sắt và đường Nguyễn Văn Linh, mở rộng công viên Diên Hồng đến tận cầu Sông Chùa, quy định nhà dân ở xung quanh núi Nhạn xây dựng cao hai tầng, mái dốc lợp ngói màu xanh, nghiêm cấm các gia đình đào xới chân núi gây nên hiện tượng sụt lở.


[1] Đào Tuấn Anh. Đài tưởng niệm núi Nhạn: Đỉnh cao của ngôn ngữ kiến trúc, http://www.baoxaydung.com.vn/news/ vn/quy-hoach-kien-truc/kien-truc/dai-tuong-niem-nui-nhan-dinh-cao-cua-ngon-ngu-kien-truc.html, xem 01.9.2016)
[2] Đào Tuấn Anh. Đài tưởng niệm núi Nhạn: Đỉnh cao của ngôn ngữ kiến trúc, http://www.baoxaydung.com.vn/news/ vn/quy-hoach-kien-truc/kien-truc/dai-tuong-niem-nui-nhan-dinh-cao-cua-ngon-ngu-kien-truc.html, xem 01.9.2016)
[3] KTSPY. KTS Lê Hiệp và Đài tưởng niệm núi nhạn, http://ktspy.blogspot.com, xem 01.9.2016)

 Trần Thanh Quý

 
In bài In bài này Gửi phản hồi Gửi phản hồi
Các tin khác:
 
  THÔNG BÁO
 
Đọc thêm
WEBLINK
Số lượng đang online: 1
Số lượt truy cập: 0
Copyright by Khoa Kiến trúc - Trường Đại học Xây dựng Miền Trung
Điện thoại: (057).3 821 905. Email:vodaihong@muce.edu.vn